BỘ MÔN LÝ LUẬN CHUNG VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Đăng vào 07/11/2017 08:41

 

 

I. Khái quát về Bộ môn và nhiệm vụ của Bộ môn.

Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật được thành lập cùng với việc thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội năm 1979. Hiện nay, Bộ môn được giao đảm nhiệm việc giảng dạy môn học Lý luận chung về nhà nước và pháp luật cho các lớp đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ luật học do Trường  tổ chức.

Lý luận chung về nhà nước và pháp luật là môn học khoa học pháp lý cơ sở, cung cấp những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật nhằm hình thành tư duy và phương pháp nhận thức khoa học về tất cả những vấn đề của nhà nước và pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học này gồm các vấn đề: nguồn gốc, bản chất, chức năng, bộ máy, hình thức của nhà nước; nhà nước trong hệ thống chính trị; nhà nước pháp quyền; nguồn gốc, bản chất, chức năng, hình thức của pháp luật; quy phạm pháp luật; hệ thống pháp luật; quan hệ pháp luật; thực hiện pháp luật; vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; ý thức pháp luật…

Trước đây, môn học này có tên gọi là Lý luận Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật. Từ những năm 1990 trở lại đây, do sự đổi mới trong tư duy lý luận, môn học này đã được đổi tên thành Lý luận chung về nhà nước và pháp luật.

Nhiệm vụ cơ bản của Bộ môn bao gồm:

1. Xây dựng chương trình, viết giáo trình môn học hệ cử nhân và hệ trung cấp luật.

2. Giảng dạy môn Lý luận chung về nhà nước và pháp luật cho các hệ đào tạo cử nhân luật chính quy và tại chức.

3. Giảng dạy môn Lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lý cho sinh viên hệ chính quy.

4. Năm 2004, Bộ môn đảm nhiệm việc giảng dạy môn Luật so sánh cho sinh viên chính quy và học viên tại chức của trường. Nhiệm vụ này sau đó được chuyển giao cho Trung tâm Luật so sánh của Trường kể từ khi Trung tâm này được thành lập.

4. Hướng dẫn và đánh giá sinh viên nghiên cứu khoa học, làm khoá luận tốt nghiệp.

5. Từ năm 1993 đến nay, các giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư trong bộ môn đã đảm nhiệm giảng dạy cao học chuyên ngành Lý luận và Lịch sử nhà nước và pháp luật (mã số 60380101) và  nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận và Lịch sử nhà nước và pháp luật (mã số 62380101).

II. Về đội ngũ giảng viên của Bộ môn

Cùng với sự phát triển của Nhà trường, đội ngũ giảng viên của Bộ môn cũng không ngừng trưởng thành, phát triển về trình độ học vấn, học hàm, học vị, khả năng và phương pháp sư phạm. Khi mới được thành lập, Bộ môn gồm các giảng viên là cử nhân và phó tiến sĩ luật học. Năm 1982, Bộ môn có 5 giảng viên, năm 1995 có 11 giảng viên, từ năm 1996 - 2005 có 10 giảng viên, từ năm 2005 - 2008 có 9 giảng viên. Hiện nay, Bộ môn có 11 giảng viên, trong đó có 3 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 6 thạc sĩ (có 5 thạc sĩ hiện đang là nghiên cứu sinh).

Trải qua quá trình phát triển, nhân sự của Bộ môn có nhiều thay đổi, một số các giảng viên Bộ môn được bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo Khoa Hành chính Nhà nước, các phòng, khoa thuộc trường, lãnh đạo nhà trường cũng như các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội… như: TS. Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; GS.TS. Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; CN. Dương Đình Thành - nguyên Phó vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp,  Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Quốc Hoàn  - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, nguyên Giám đốc trung tâm Luật so sánh; nguyên Trưởng phòng hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Lê Vương Long - nguyên Chủ nhiệm khoa Tại chức, Trường Đại học Luật Hà Nội…

Những năm gần đây, đội ngũ giảng viên của Bộ môn đã đạt được những thành tích vượt bậc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Các giảng viên không chỉ tham gia biên soạn Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật cho các hệ đào tạo đại học, trung cấp luật mà còn viết và xuất bản nhiều sách tham khảo để phục vụ cho việc dạy và học hệ đại học và cao học luật. Bên cạnh đó, các giảng viên thuộc Bộ môn còn là chủ nhiệm và cộng tác viên của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ và cấp Nhà nước, đồng thời là tác giả của nhiều bài báo có giá trị khoa học cao trong các tạp chí có uy tín trên cả nước như Tạp chí Luật học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp… Các giảng viên của Bộ môn rất tích cực tham gia viết tham luận cho các hội thảo khoa học ở trong và ngoài trường, kể cả những cuộc hội thảo quốc tế.