HỘI THẢO: CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ LÃNH THỔ QUỐC GIA CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

Đăng vào 26/07/2017 10:46

 Ngày 26/5/2017, thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2017 đã được phê duyệt, Khoa Pháp luật Hành chính-nhà nước tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Chính sách quản lý lãnh thổ quốc gia của nhà nước Việt Nam trong tiến trình lịch sử”. Hội thảo đã thu hút được sự tham dự, phát biểu và trao đổi ý kiến giữa nhiều chuyên gia là giảng viên trong các đơn vị thuộc trường Đại học Luật Hà Nội.

Khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hiền, Phó trưởng khoa Pháp luật Hành chính-nhà nước nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức cuộc hội thảo, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề pháp luật xung quanh lãnh thổ quốc gia đang cần được tiếp cận dưới góc độ lịch sử. Đồng thời thay mặt ban tổ chức, TS. Trần Thị Hiền cũng cảm ơn sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc trường: TS. Đào Ngọc Tuấn_ Phó trưởng khoa Lý luận chính trị, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến_ Phó trưởng khoa Pháp luật kinh tế, TS. Đào Lệ Thu_ Phó viện trưởng viện Luật So sánh cùng đông đảo sự có mặt của các đại biểu.

Trong 2 phần, hội thảo đã lắng nghe các tham luận của Ths. Hà Thị Lan Phương, TS. Nguyễn Văn Năm, Ths. Trần Hồng Nhung, Ths. Vũ Thị Yến. Các tham luận đã chỉ rõ quá trình hình thành và phát triển lãnh thổ Việt Nam, vấn đề chức năng, quan điểm, chính sách của nhà nước phong kiến Việt Nam nói chung cũng như các thời kỳ lịch sử cụ thể như triều đại nhà Lê, triều đại vua Minh Mạng.v.v. Bên cạnh đó, hội thảo cũng lắng nghe những thảo luận sôi nổi từ các đại biểu. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn được làm rõ thông qua hội thảo có thể kể tới như: quan điểm của nhà nước phong kiến thể hiện qua câu nói của vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vức bỏ đi được”, các chính sách bảo vệ lãnh thổ thông qua việc kết giao với các thủ lĩnh dân tộc vùng viên, nghiêm cấm tư nhân bán đất cho nước ngoài.v.v. Đặc biệt hội thảo đã làm rõ và khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của ông cha ta. Một nội dung khác rất được thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự đó là quá trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển. Bằng các sử liệu và chứng lý lịch sử, hội thảo đã cung cấp nhiều cơ sở nhằm khẳng định quá trình thụ đắc lãnh thổ và quản lý, sử dụng thường xuyên, liên tục, hòa bình các thực thể trên biển Đông của Việt Nam từ triều Nguyễn tới nay. Đó là các bản đồ, chiếu, dụ được ban hành bởi chính quyền phong kiến nhằm khẳng định chủ quyền của chúng ta. Đây là những cơ sở lịch sử quan trọng nhằm hỗ trợ cho quá trình chuẩn bị về mặt pháp lý trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Bế mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hiền cảm ơn sự quan tâm và tham gia tích cực của các đại biểu. Khẳng định hội thảo đã cung cấp được những tri thức quan trọng cả trên hai lĩnh vực lịch sử và pháp luật, đồng thời làm rõ được nhiều thắc mắc của các đại biểu liên quan đến những yếu tố lịch sử cần được làm rõ để làm cơ sở cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam cả trên biển cũng như đất liền.

Đậu Công Hiệp